Tại sao tôi lại lựa chọn nghề dạy học cho trẻ tự kỷ ?
24/ 05/ 2017 09:29:00 0 Bình luận
Trong hơn 9 năm theo nghề dạy học cho trẻ tự kỷ thì câu mà tôi được mọi người hỏi nhiều nhất là:”Tại sao tôi lại lựa chọn công việc này?”. Quả thực đối với tôi thì đây giống như một mối duyên được vũ trụ trao cho khiến tôi không thể chối từ. Sự nghiệp của tôi được bắt đầu từ 2 câu chuyện hay nói đúng hơn là 2 cú sốc lớn trong đời sinh viên của tôi.
Cô giáo Mai-giám đốc trung tâm Thiên Thần Nhỏ
Câu chuyện thứ nhất
Đó là lần tôi được đi thực tế tại cộng đồng. Đối với một sinh viên trường y như tôi thì đây là khoảng thời gian vô cùng ý nghĩa bởi bản thân sẽ được áp dụng chút kiến thức được học vào thực tế nên tôi lấy làm háo hức. Cả nhóm của tôi được phân vào một ngôi làng nhỏ. Nhiệm vụ của chúng tôi là phải tiếp cận với các hộ gia đình trong làng để tìm hiểu về tình hình sức khỏe của những con người nơi đây. Chúng tôi đã đi vào từng nhà, hỏi han về sức khỏe, khám cho người dân và tư vấn cho họ. Hầu hết các gia đình đều rất cởi mở. Chúng tôi đi tiếp và dừng trước cổng của một gia đình. Nhưng kì lạ thay, chủ nhà không đồng ý cho chúng tôi tiếp cận. Chúng tôi loay hoay đang không biết làm cách nào thì có một bác đi qua và nói:”Nhà ấy có thằng con trai tâm thần, không tránh xa mang họa vào thân đấy!”. Điều này càng làm cho tôi tò mò hơn. Tôi và cô lớp trưởng quyết định quay lại gia đình này vào ngày hôm sau. Và cuối cùng cũng vào được trong nhà bác ấy thì…Ôi! Một cảnh tượng mà lần đầu tiên tôi được nhìn thấy khiến tôi chết lặng một lúc, mặt tái đi vì sợ, chân tay run, đầu choáng… Bởi hình ảnh một chàng thanh niên bị nhốt trong một cái cũi và bị người xung quanh đối xử không khác gì… một con vật. Mẹ anh ấy nói rằng phải làm vậy để anh ấy không gây tổn thương cho người khác. Tôi hỏi anh ấy bị mắc bệnh gì thì bác ấy nói đã cho anh đi khám và bác sĩ chẩn đoán anh ấy bị… Tự kỷ. Đấy là lần đầu tiên tôi nghe thấy từ “Tự kỷ”
Câu chuyện thứ hai
Đó là khoảng thời gian tôi thực tập tốt nghiệp tại bệnh viện Quân đội 108. Tôi may mắn được gặp cô Thu Hà. Cô nói với tôi rằng ra trường về trung tâm của cô làm việc. Tôi chỉ được nghe cô nói là tôi có thể áp dụng chuyên ngành Phục hồi chức năng mà tôi đã được học. Mới nghe đến đây tôi vui mừng đồng ý ngay vì hồi đó tôi cũng mong được làm đúng chuyên ngành mình học. Hai tháng rưỡi thực tập kết thúc tôi hăm hở gặp cô tại trung tâm. Đó là một trung tâm dành cho các cháu bị tự kỷ. Tôi đã thành thật nói rằng mình chưa hề có chút kinh nghiệm nào trên đối tượng trẻ này thì sao làm được. Cô đã nói một câu mà tôi nhớ mãi:” Cháu hãy nhớ! Không có điều gì là không thể”. Về sau tôi cũng bị ảnh hưởng nhiều phẩm chất tích cực từ người sếp này. Và sau một thời gian được đào tạo tôi được giao cho nhiệm vụ đến nhà của một bé 4 tuổi bị tự kỷ nặng có kèm theo chứng tăng động. Mẹ của bé nói tôi là giáo viên thứ 6 tới giúp bé. Ngày hôm đó đúng là NGÀY ẤN TƯỢNG của tôi. Tôi vừa đến cổng nhà phụ huynh thì nghe thấy tiếng la hét dữ dội của mẹ và con, bản thân không hiểu có chuyện gì đang xảy ra tôi vội đẩy cửa bước vào thì…Hình ảnh một đứa trẻ tự kỷ đang đập đầu vào tường, máu chảy ròng bên thái dương để đòi…ăn kẹo. Mẹ cháu nói mỗi khi cháu muốn đòi đồ gì là lại đập đầu. Cháu còn không biết sợ nguy hiểm: lao vào ô tô đang chạy trên đường, lăn từ trên tầng xuống bậc cầu thang…Khi mẹ cháu thấy tôi đến thì đi lấy nước cho tôi. Ngay lập tức đứa bé chạy theo mẹ nhưng lại cứ ú ớ gọi mẹ mà không cất nổi tiếng gọi “Mẹ ơi!”. Lúc đó cổ họng tôi nghẹn lại, không hiểu sao tôi đứng đó mà cứ thế khóc. Khóc thương cho đứa trẻ thiệt thòi, thương cho nỗi đau tột cùng của người mẹ. Chị ấy trở ra, đưa tôi chiếc khăn và cứ thể hai chị em cùng khóc. Chúng tôi không nói tiếp được câu nào nhưng có lẽ sự đồng cảm đã nói hộ lòng tôi rồi.
Kể từ đó tôi quyết tâm lựa chọn con đường can thiệp cho các bé bị tự kỷ- con đường không hề dễ đi. Nhưng động lực giúp tôi vượt qua những ngày tháng khó khăn chính là do các phụ huynh đã đặt lòng tin vào tôi. Hơn thế nữa, chính những ánh mắt trong veo, nụ cười tươi, mùi đặc trưng, những cái ôm thật chặt và những cái thơm thật kêu của các học trò là động lực lớn nhất giúp tôi vượt qua tất cả.
Và cho đến ngày hôm nay, tôi vẫn thường được mọi người ưu ái gọi với cái tên “Mai Tự Kỷ”.
Nguyễn Mai-Thiên Thần Nhỏ