Rối loạn phát triển ngôn ngữ

Với trẻ nhỏ rối loạn ngôn ngữ thường ở 2 dạng là: rối loạn ngôn ngữ tiếp nhận (chậm hiểu lời) và rối loạn ngôn ngữ thể hiện (chậm nói).

Cha mẹ là người gần gũi nhất với con trẻ và đóng vai quan trọng trong việc phát hiện ra những dấu hiệu bất thường về ngôn ngữ của con mình. Nếu trẻ có những dấu hiệu của RLNN – chậm hiểu, chậm nói thì gia đình cần cho con đến bệnh viện hoặc các trung tâm, phòng khám tâm lý trẻ em  để trẻ được thăm khám và có hướng can thiệp sớm, phù hợp. Cha mẹ là người quyết đinh cho con mình có được can thiệp hay không. Trên thực tế ở trung tâm chúng tôi có rất nhiều gia đình cho con đến khám chỉ để biết rằng con họ có bị tự kỷ hay không. Nếu con chỉ chậm ngôn ngữ nói hoặc ngôn ngữ hiểu thì cha mẹ có tâm lý chờ đợi và cho rằng “rồi đứa trẻ sẽ biết nói khi nó lên ba”, họ quên rằng mình phải có sự thay đổi trong cách chơi đồng thời phải tích cực hướng dẫn cho trẻ. Khi cha mẹ cho con quay trở lại để khám, đánh giá thì trẻ đã bị bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển.

Khi dạy trẻ học nói, cha mẹ cần tuân theo 10 nguyên tắc sau:

1. Giao tiếp với trẻ ở vị trí ngang tầm mắt. Khi giao tiếp với trẻ, hãy gọi tên và yêu cầu trẻ nhìn mắt.

2. Nói đơn giản, dễ hiểu, chậm và rõ ràng .

3. Cùng trẻ tham gia các hoạt động vui chơi, ca hát, kể chuyện, bắt chước các hoạt động, chơi ú òa, nu nống, chi cành, kéo cưa, chơi búp bê,...... một cách thường xuyên và lặp đi lặp lại.

4. Hãy hướng dẫn trẻ chỉ tay bằng ngón trỏ vào thứ mình muốn hoặc bắt chước âm thanh, hành động người lớn hướng dẫn. Việc đáp ứng trẻ ngay lập tức sẽ khiến cho hành vi không mong muốn ở trẻ được củng cố và có thể hạn chế sự phát triển ngôn ngữ ở trẻ vì trẻ sẽ quen với việc chỉ cần khóc, kéo tay người lớn là có được thứ trẻ thích.

VD: Ban đầu khi trẻ kéo tay người lớn để muốn lấy đồ chơi ôtô , người lớn có thể hướng dẫn trẻ bằng cách cầm tay giúp trẻ chỉ ngón trỏ vào đồ chơi muốn lấy và nói “ô tô” (nhắc 2-3) rồi đưa cho trẻ.

5. Cho trẻ có thời gian để xử lý thông tin khi đưa ra yêu cầu với trẻ. Hãy chờ đợi trẻ phản ứng trong 5-7s, nếu trẻ không thực hiện được, hãy làm mẫu giúp trẻ. Lặp lại nhiều lần trong các tình huống, yêu cầu khác nhau.

6. Hãy khen ngợi và động viên trẻ ngay lập tức khi trẻ thực hiện được phần nào yêu cầu bạn đưa ra cho trẻ. Có thể thưởng trẻ bằng thứ trẻ thích khi trẻ thực hiện được yêu cầu.

7. Tạo môi trường ngôn ngữ cho trẻ bằng cách tận dụng mọi tình huống trong sinh hoạt hàng ngày (ăn, tắm, ngủ, trên xe bus...) để nói chuyện và chơi cùng trẻ.

8. Hạn chế cho trẻ xem tivi. Nếu cho trẻ xem tivi, hãy cùng trẻ chỉ và gọi tên các hình ảnh, hoạt động nhìn thấy trên tivi.

9. Trong gia đình, mọi người nên thống nhất cách giáo dục và hình thành thói quen cho trẻ ở trong các môi trường và tình huống khác nhau.

10. Dạy trẻ nói là một việc cần nhiều thời gian và công sức, vì vậy phụ huynh cần bình tĩnh, kiên trì, linh hoạt, sáng tạo để có thể giúp đỡ trẻ một cách hiệu quả

 

Làm thế nào để nhận biết trẻ chậm nói?

Con em 16 tháng nhưng vẫn không biết nói hoặc chỉ nói “a a” thôi. Cháu khá hiếu động, biết đi từ 9 tháng. Vậy con em có bị làm sao không? Làm thế nào để biết cháu bị dị tật? 

(thanhhuyen…@yahoo.com)

Trẻ mấy tuổi mà chưa nói thành thục thì gọi là chậm nói. Con tôi 3 tuổi nhưng cháu ít nói và nói không rõ ràng. Có phải trẻ tự kỷ thì sẽ không nói còn trẻ chậm nói thì sớm muộn cũng sẽ nói như người bình thường phải không?

Tôi đã cho cháu đi học mẫu giáo nên thấy cháu cũng có nhiều tiến bộ. Về nhà cháu đã biết rủ bố mẹ tham gia những trò chơi học được ở lớp?

(Phuongthanhtran…@gmail.com)

Trả lời

Thông thường, trẻ khoảng 10-12 tháng tuổi là bắt đầu bập bẹ những từ đơn giản như: ba, bà…, thậm chí có trẻ nói được những từ khó hơn. Nhưng cũng có nhiều trẻ chậm nói hơn, thậm chí 2 tuổi mới nói được những câu 2-3 từ. 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc trẻ chậm nói. Có thể cháu mắc các nguyên nhân thực thể như sinh non, sốt cao co giật, ngã chấn thương… gây ra các tổn thương dẫn đến rối loạn phát triển ngôn ngữ.

Nếu trẻ bị các khiếm khuyết trong vòm miệng, lưỡi, hàm ếch hay trục trặc về khả năng nghe cũng khiến trẻ chậm nói. Không phải trẻ chậm nói nào cũng mắc bệnh tự kỷ. Vì khi trẻ bị tự kỷ ngoài việc chậm nói còn có các biểu hiện khác như cô lập, lặp đi lặp lại một hành động, không biểu cảm, không nghe lời người lớn, không hòa nhập với bạn bè…

Vì thế, nếu con bạn 16 tháng tuổi trở lên mà vẫn chưa phát âm được từ nào thì có thể để ý thêm các biểu hiện khác của trẻ. Nếu cháu không chỉ chậm nói mà còn không để ý, không tuân theo chỉ dẫn của người lớn , phát âm khác thường thì có thể cháu bị mắc các dị tật về nghe và nói.

Còn trẻ sống khép kín, ít gần gũi, lặp đi lặp lại một hành động nào đó thì có thể trẻ còn bị tự kỷ. Cho dù các nguyên nhân gì thì các anh chị đều phải mang con đi khám bác sĩ chuyên khoa tâm thần, nhà tâm lý thì mới biết chính xác và có can thiệp cụ thể. Nếu để tình trạng trẻ chậm nói kéo dài có thể cháu sẽ nhận biết kém, trí tuệ sẽ “tụt hậu” so với các bạn cùng trang lứa.

Đồng thời ở nhà, các anh chị cũng nên “tạo môi trường ngôn ngữ” cho trẻ bằng cách: thường xuyên trò chuyện với con, kể chuyện, hát, chơi trò chơi để thu hút trẻ và gợi sự bắt chước ngôn ngữ của trẻ; dẫn trẻ ra ngoài chơi, chỉ cây cối, con vật và khuyến khích trẻ gọi tên của chúng. Không nên để con một mình, chỉ xem ti vi, hoạt hình hoặc phó mặc việc chăm sóc con cho ông bà hay người giúp việc, con sẽ bị cô lập, càng ít nói hơn.

 

Con chậm nói có phải bị tự kỷ?

Con trai tôi đã 3 tuổi. Hồi nhỏ, cháu phát triển bình thường, ít quấy khóc. Tuy nhiên, cháu chậm nói, khoảng 2 tuổi cháu mới bập bẹ được vài từ.

Đến nay cũng chỉ nói được những câu ngắn, chưa đầy đủ. Khi nói chuyện, cháu cũng thường cúi gằm mặt.

Tôi có nghe nói đến việc trẻ chậm nói có thể mắc bệnh tự kỷ. Nhưng ông bà nội và chồng tôi lại ra sức phản đối, cho rằng cháu phát triển bình thường, rằng tôi “trù úm” con. Vậy một đứa trẻ như thế nào thì bị tự kỷ?

Trẻ tự kỷ cần sự kiên nhẫn đặc biệt của cha mẹ

Tự kỷ là những rối loạn phát triển của não. Trẻ tự kỷ sẽ giảm khả năng hoà nhập xã hội, kém giao tiếp, thường lặp đi lặp lại một hành vi. Các biểu hiện có thể là chậm nói, cúi gằm khi giao tiếp, sợ tiếp xúc với người lạ, chỉ chơi một trò chơi, ngồi một góc nhà.

Nếu là dạng tăng động giảm chú ý thì thường xuyên quậy phá, la hét, không nghe theo lời của bất cứ ai. Theo các nghiên cứu có khoảng 1% trẻ sinh ra mắc bệnh tự kỷ và bất cứ trẻ nào cũng có thể mắc phải. Hầu hết các cháu đều phát triển bình thường, không có dị tật về cơ thể.

Với các biểu hiện chậm nói, cúi gằm mặt của con chị, chị nên đưa cháu đi khám các bác sĩ chuyên khoa tâm thần, chuyên gia tâm lý để được chẩn đoán xem con chị có bị tự kỷ hay không. Các chuyên gian cũng giúp anh chị hiểu hơn về bệnh tự kỷ và có chương trình điều trị cho cháu.

Trẻ tự kỷ nếu được can thiệp trước 3 tuổi thì cơ hội hoà nhập sẽ cao hơn. Vì thế, chị nên thuyết phục chồng đưa con đi khám sớm, nếu chẳng may cháu bị mắc bệnh thì có thể được điều trị kịp thời. Trẻ tự kỷ cần một chương trình giáo dục riêng biệt và sự kiên nhẫn, tình yêu của cha mẹ.

 

Các mốc phát triển ngôn ngữ của trẻ và dấu hiệu chậm nói

Tùy theo mỗi trẻ khi được khoảng mười một tháng hay một tuổi trẻ nói được khoảng hai ba từ đơn khá rõ, có thể là: bố, bà.

Giai đoạn: 0 – 5 tháng tuổi:

- Trẻ chăm chú nhìn vào người nói chuyện

- Quay đầu về phía có tiếng động phát ra

- Phân biệt được các tiếng động khác nhau phát ra từ các vị trí khác nhau

- Phát ra các âm thanh khi được hỏi chuyện. Có thể đáp lại các âm thanh khi được hỏi: mỉm cười

- Tự chơi một mình với các âm thanh 

Và tùy theo mỗi trẻ nhưng khi được khoảng mười một tháng hay một tuổi trẻ nói được khoảng hai ba từ đơn khá rõ, có thể là: bố, bà. Thông thường các trẻ thường bắt đầu bằng các âm phát ra bằng âm đầu môi như các p, m, k. Và thông thường ở trẻ em gái độ tuổi nói thường xuất hiện sớm hơn khoảng khi trẻ được tầm trẻ được tám chín tháng tuổi. Còn ở trẻ em trai thường nói chậm hơn trung bình trẻ nói được từ đầu tiên khi trẻ được khoảng một tuổi thậm chí khi trẻ được mười ba, mười bốn tháng tuổi mới bập bập bẹ nói ê a các âm không rõ. Các từ đầu tiên trẻ nói được thường là các từ thường có liên quan đến người, đồ vật hoặc sự kiện xung quanh liên quan đến trẻ hoặc các nhu cầu bản thân của trẻ ví dụ: gọi bố, mẹ; ạ, dạ, xin; ô tô, bíp bíp hoặc tiếng kêu các con vật: meo meo, con chó, con mèo, gà. Tùy vào bản thân mỗi trẻ cũng như tùy vào môi trường, vùng văn hóa mà trẻ sống mà trẻ phát âm ra các từ đầu tiên có khác nhau ở các trẻ khác nhau.

Giai đoạn 6 – 11 tháng

- Biết phối hợp các hoạt động

- Theo dõi sự chuyển động của các vật theo các hướng khác nhau

- Hiểu một vài từ - Nối kết các âm thanh để tạo nên vần

- Bắt chước gần đúng âm của người khác

- Dùng cử chỉ, điệu bộ nét mặt để giao tiếp

- Tạo ra được một vài âm gần giống với các phụ âm

Khi trẻ được 18 tháng tuổi trẻ bắt đầu nói và tự nối ghép được hai từ với nhau. Ở giai đoạn này trẻ nói bắt đầu hình thành các trật tự câu. Trẻ biết chỉ được ít nhất là sáu bộ phận trên cơ thể, chỉ được một hai hình ảnh quen thuộc khi cho trẻ nhìn tranh như: hình bố,hình con cá hoặc hình con chó…

Giai đoạn từ 1 – 1,5 tuổi

- Thực hiện các mệnh lệnh đơn giản: “ném bóng cho mẹ, cầm cốc cho bố”…

- Phân biệt được các đồ vật thường dùng

- Nhận ra được một số bức tranh về các đồ vật ở xung quanh. Ví dụ: tranh về cái cốc, bàn

- Nói một vài từ

- Biết khởi xướng các trò chơi

- Tạo ra chuỗi âm không có nghĩa với các ngữ điệu khác nhau

- Có khả năng bắt chước được từ đơn

Đến 3 tuổi trẻ tạo ra một cụm từ có đầy đủ thành phần chủ vị. Sau giai đoạn này trẻ sẽ nói được và sẽ tạo đà cho trẻ phát triển được rất nhiều các câu phức tạp và tiếp sau đó là trẻ hình thành nên các câu chuyện dài với nội dung khá logic.

Giai đoạn 2 – 3 tuổi

- Trẻ hiểu các khái niệm về vị trí trong không gian: phái trước, bên phải, bên ngoài, hiểu một vài chức năng công dụng của đồ vật và các bộ phận của cơ thể như: cốc để uống nước, lược để chải đầu, hay mũi để ngửi, miệng để ăn…

- Hiểu một vài đại từ, hiểu các từ mô tả: to/bé, ướt/khô

- Trẻ bắt đầu hiểu về khái niệm số lượng, quan hệ bộ phận, tổng thể. Trẻ hiểu các hành động trong tranh: đang tắm, đang ăn, các đại từ: cô bé,em bé, cậu bé

- Trẻ biết sử dụng các câu đơn giản, đặt câu hỏi đơn giản

- Trẻ trả lời được các câu hỏi như: cái gì, ở đâu? Có/ không.

- Tre nói được các câu đơn giản: có chủ, vị, và bắt đầu dùng từ sở hữu: của con…

Đến giai đoạn trẻ được 3,5 tuổi -  4, 5, 6 tuổi không những trẻ nói được các câu phức tạp  trẻ bắt đầu sử dụng các ngôn ngữ ấy một cách khá tốt. Trẻ phân biệt và hiểu được các câu với nghĩa khá đa dạng và phức tạp trái nghĩa nhau và chúng có thể biết phát triển và duy trì được hội thoại khá dài.

Trên đây là phần tóm tắt các mốc giai đoạn phát triển về ngôn ngữ cơ bản của trẻ từ khi ra đời đến khi trẻ được 3 tuổi và tiến trình phát triển tiếp sau cho đến khi trẻ đi học lớp một.

Các dấu hiệu chậm nói

Dựa vào các đặc điểm trên cha mẹ có thể phân biệt và tự kiểm tra xem con mình có bị chậm nói hay không, chậm nhiều hay ít so với lứa tuổi. Và đặc biệt cần lưu ý các bậc cha mẹ là đối với các con ngôn ngữ hiểu và ngôn ngữ hạn chế phải có sự phát triển song hành chúng có mối quan hệ khăng khít. Nếu con bạn có những điều bất thường (không giống) hoặc có khó khăn một trong hai vấn đề (ngôn ngữ hiểu hoặc ngôn ngữ thể hiện – nói) bị chậm hoặc bị mất ngôn ngữ… cha mẹ nên cho con đi khám sớm về:

1. Khám thực thể (khám tai – chức năng nghe, Mắt – chức năng nhìn, Miệng – cơ quan phát âm) để phát hiện sớm các khó khăn cần loại bỏ và giúp đỡ

2. Khám tâm lý để phát hiện sớm trẻ chậm nói hoặc có vấn đề về  phát triển  tâm trí và kịp thời có hướng can thiệp giúp trẻ.

Rất nhiều các cha mẹ và những người xung quanh có sự hiểu nhầm về các bệnh thường gặp ở con trẻ như: Trẻ tự kỷ, trẻ chậm phát triển trí tuệ (chậm nhận thức), trẻ chậm nói, trẻ có vấn đề về tăng động giảm chú ý cũng có một số biểu hiện giống tương tự như: không giao tiếp bằng ngôn ngữ hoặc giao tiếp ít, chạy nhảy nhiều, không tập trung, thích xem hoạt hình, quảng cáo… Đặc biệt nhiều bậc cha mẹ đã ở trong tình trạng tâm lý khá hoang mang, lo lắng tự ám thị minh cho rằng con mình bị tự kỷ.

Nếu để trẻ tự phát triển trong khi ngôn ngữ của trẻ có các khó khăn thì trẻ sẽ có khó khăn về mặt phát triển tâm lí như: chậm nhận thức hơn so với bạn cùng lứa, khó khăn trong diễn đạt ngôn ngữ - dẫn đến trẻ có tâm lý mặc cảm tự ti, không phát triển được các mối quan hệ trong giao tiếp, bị bạn bè trêu chọc, đánh mắng, bị cô lập, ám sợ đám đông, ám sợ trường học... Vì thế trẻ có thể biểu hiện ra ngoài như: ít giao tiếp, nhút nhát tự ti, chơi một mình hay có trẻ lại mất tập trung chạy nhảy quá mức không chịu phản ứng hồi đáp bằng ngôn ngữ với người khác, nghịch ngợm, hay cáu gắt, đánh bạn hoặc nói ra một tràng các âm không có nghĩa, nhắc lại lời của người khác một cách nguyên vẹn…, và các rối loạn ngôn ngữ thể hiện khác nhau hoặc có khó khăn khác về mặt tâm lý có thể gặp trong từng hoàn cảnh và giai đoạn khác nhau.

Tài liệu tham khảo: Hướng dẫn thực hành âm ngữ trị liệu

( TS. Vũ Bích Hạnh và Ths. Đặng Thái Thu Hương)

 

Phát triển kỹ năng giao tiếp cho trẻ em

KỸ NĂNG GIAO TIẾP VỚI BỐ MẸ

Ngay từ khi bé chào đời, thì giao tiếp đã là một kỹ năng quan trọng giúp bé tồn tại và phát triển, bé giao tiếp qua ánh mắt, qua các cử động của tay chân và đặc biệt là qua tiếng khóc… Một người mẹ có sự quan tâm và gần gũi con chắc chắn sẽ hiểu khi nào bé khóc vì đói, khi nào bé khóc vì đau, vì sợ và cả vì nhõng nhẽo nữa !

Khi biết nói ở lứa tuổi lên 3, thì bé bắt đầu sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp, đồng thời với khả năng bộc lộ cảm xúc thông qua giao tiếp phi ngôn ngữqua ánh mắt với những nét mặt và các dấu hiệu của cơ thể, nếu được đáp ứng đầy đủ sẽ giúp cho bé hình thành sự tự tin vào bản thân cũng như xây dựng những mối tương giao với mọi người xung quanh.

Vì thế kỹ năng giao tiếp được xem là một năng lực cần thiết cho trẻ mở rộng quan hệ từ trong gia đình cho đến ngoài nhà trường và xã hội. Đây là một kỹ năng phức tạp bao gồm nhiều yếu tố và khác nhau, vì thế ngoài những yếu tố của năng lực nội tại có sẵn nơi trẻ, thì các bậc phụ huynh cũng cần quan tâm áp dụng những biện pháp để giúp trẻ phát triển về kỹ năng giao tiếp thông qua việc tác động bằng cách kích thích nhiều giác quan, mà chủ yếu là nghe – nhìn và đụng chạm.

Các công cụ giao tiếp:

Mắt là cơ quan tiếp nhận một cách hiệu quả các thông tin từ bên ngoài, vì vậy một mặt phụ huynh cần có biện pháp bảo vệ mắt của trẻ, không cho trẻ tiếp xúc nhiều và lâu với những nguồn ánh sáng chói chang. Đặc biệt là với màn hình vi tính và TV sẽ gây ra những tác động xấu về cả thị lực lẫn sự phát triển ngôn ngữ của trẻ vì vậy chúng ta nên tránh để trẻ tiếp xúc nhiều với TV nhất là trong lúc ăn. Mặc dù đây là một trong những thói quen của nhiều bậc cha mẹ vì cho rằng trẻ thích như vậy, hay những âm thanh, hình ảnh sinh động sẽ làm trẻ vui vẻ, thu hút được sự tập trung nên trẻ sẽ ngồi yên để ăn. Nhưng thực tế là trẻ bị “chìm đắm” trong giòng thác âm thanh và hình ảnh khiến trẻ dẩn dần trở nên thụ động và vô tình gắn kết việc ăn với những điều đó và nếu không được đáp ứng thì trẻ sẽ không chịu ăn nữa.

Tai cũng là một cơ quan cần thiết để giúp trẻ nhận ra các thông tin, tiếp nhận ý nghĩa của từ ngữ để hình thành ngôn ngữ, vì thế tình trạng điếc của trẻ sẽ dẫn đến việc trẻ không nói được, và nếu trẻ phải sống trong một môi trường quá yên lặng, không có tiếng nói của những người xung quanh hay ngược lại quá ồn ào, hỗn độn với nhiều tạp âm, trẻ cũng không thể phát triển về ngôn ngữ bằng lời nói của mình.

Sự cảm nhận qua xúc giác trên da và bằng sự cầm nắm cũng giúp trẻ phát triển khả năng giao tiếp, chính vì vậy mà trẻ sơ sinh rất cần được sự ôm ấp, vuốt ve và được tạo cơ hội cầm nắm các đồ vật với những tính chất khác nhau từ cứng, mềm cho đến láng trơn hay sần sùi … Trẻ được tiếp xúc nhiều qua sự cầm nắm và đụng chạm sẽ phát triển tốt hệ thống thần kinh phản xạ, trẻ sẽ trở nên linh hoạt và thoải mái hơn.

Ngôn ngữ và kỹ năng giao tiếp:

Ngôn ngữ được xem là công cụ chính trong việc giao tiếp, từ khi sinh ra cho đến khi bập bẹ những tiếng nói đầu tiên thì trẻ giao tiếp bằng tiếng khóc, và cử chỉ, ánh mắt… Khi trẻ bắt đầu nói và ngôn ngữ sẽ được phát triển rất nhanh từ khi trẻ trên 12 tháng, cho đến khi trẻ được 5 tuổi thì ngôn ngữ đã hoàn thiện, trẻ có đủ vốn từ ( khoảng 2000 từ ) để sử dụng trong cuộc sống hàng ngày. Việc giúp trẻ phát triển khả năng ngôn ngữ thông qua việc trò chuyện với trẻ, cho trẻ chơi những trò chơi phát triển ngôn ngữ, đọc sách hay kể chuyện cho trẻ nghe là những hoạt động cần thiết để giúp trẻ đạt được sự giao tiếp tốt nhất.

Chúng ta có thể nói với trẻ những câu ngắn gọn : “ Con uống nước mát nhé” hay gợi ý : “Con xem đóa hoa đẹp chưa kìa” hoặc “ Bánh ngon lắm, con thích không” …vừa giúp cho sự giao tiếp vừa giúp bé gia tăng vốn từ vựng .

Tuy nhiên, không phải cứ nói nhiều, nói hoài với trẻ là tốt, mà nhiều khi một bà mẹ nói chuyện quá nhiều với con, nói những câu dài và trả lời luôn cho con khiến trẻ chỉ biết gật gù , lại là một trong những nguyên nhân gây ra sự thụ động hay chậm nói cho trẻ.

 

KỸ NĂNG GIAO TIẾP XÃ HỘI

Có thể nói một cách không quá cường điệu là kỹ năng giao tiếp có một vai trò quan trọng trong việc phát triển về tâm sinh lý cho các bé. Không có một sự lo lắng và khó chịu nào lớn hơn là tình trạng không hiểu được nhau ! Trẻ không hiểu người lớn muốn gì ở mình và người lớn cũng không hiểu trẻ cần điều gì nếu như không xây dựng được một mối quan hệ tốt thông qua những kỹ năng giao tiếp hiệu quả.

 Hình thành sự tương tác hiệu quả :

Như đã nói ở trên, ngôn ngữ là công cụ giao tiếp quan trọng nhất, nhưng trong giai đoạn đầu khi ngôn ngữ chưa phát triển, thì hình ảnh lại có một vai trò cực kỳ to lớn trong việc giúp cho trẻ giao tiếp với những người xung quanh và xây dựng ngôn ngữ ngày một hoàn thiện hơn.

Tuy nhiên, không phải hình ảnh nào cũng hữu ích mà không ít những hình ảnh sẽ tạo ra những hiệu ứng không tốt cho trẻ. Chính vì thế, những hành động mang tính làm gương của bố mẹ hay làm mẫu cho trẻ bắt chước theo là rất cần thiết.

Bên cạnh đó, việc cho trẻ xem chính những hình ảnh của trẻ trong các sinh hoạt hằng ngày và hình ảnh diễn tả cảm xúc ( Hình bé khóc, cười, giận, hờn, lo lắng … ) sẽ giúp trẻ nhận ra được những cảm xúc để có thể biết cách diễn tả, từ đó đi đến việc làm chủ cảm xúc.

Chúng ta hãy cho trẻ xem các ảnh chụp và phụ đề dùm cho bé : Này, hình con đang uống sữa buổi sáng này, sữa ngon quá phải không con? “ – À này là lúc con đang khóc nè, ui hai má tèm lem nước mắt nước mũi , tức cười quá !” “ trông con có vẻ lo lắng quá, con lo cái gì vậy ?” Chúng ta không nhất thiết buộc trẻ phải trả lời, mà chỉ cần trẻ hiểu được câu nói của mình là đủ.

Việc cho trẻ ra ngoài chơi nơi công viên, nhà sách, siêu thị cũng là một biện pháp hiệu quả giúp trẻ phát triển trí nhớ hình ảnh để làm cho vốn từ ngữ của mình ngày một phong phú hơn. Nhưng điều này lại đòi hỏi bố mẹ cần có những kinh nghiệm để ứng xử với những hành vi kém thích nghi như : Không biết kìm chế, tự tiện lấy những món hàng bầy bán, đòi hỏi bố mẹ phải mua cho mình những món ưa thích nếu không thì sẽ ăn vạ… Điều này cũng là một yêu cầu trong việc giáo dục kỹ năng giao tiếp cho trẻ nhỏ.

Các hành vi ứng xử thích hợp/ không thích hợp

Trong đại đa số gia đình, trẻ hầu như được bảo vệ và chăm sóc theo một nguyên tắc là phụ thuộc và nuông chiều. Các bậc cha mẹ thường cho trẻ ăn những món mà họ cho rằng rất bổ dưỡng cho trẻ, cho trẻ mặc những y phục mà theo họ là thích hợp, và buộc trẻ phải có những hành vi ứng xử mà họ nghĩ rằng đó là sự vâng lời.

Tất cả những điều đó sẽ là tốt đẹp nếu nó ở một chừng mực nào đó, nếu vẫn có những lĩnh vực và không gian cho phép trẻ có cơ hội để bộc lộ những sở thích cá nhân, những hành vi tự chủ. Nhưng nó sẽ là một bi kịch vì sẽ dẫn đến những xung đột trong việc giao tiếp, tạo cho trẻ những nhận thức và hành vi không phù hợp khi trẻ bắt đầu tiếp xúc, hình thành các khả năng giao tiếp với xã hội bên ngoài, nếu như trẻ phải tiếp nhận những sự bắt buộc, hoặc ngược lại là một sự nuông chiều, thả lỏng trẻ được chấp nhận mọi yêu cầu vô điều kiện với suy nghĩ đơn giản là trẻ nhỏ chưa biết gì, chiều nó một chút cũng không sao, nhưng điều đó sẽ tạo nên những hàng vi và nhận thức sai lệch của trẻ mà lâu dần sẽ biến thành thói quen rất khó thay đổi !

Vì vậy ngay từ nhỏ trẻ cũng cần phải biết những hạn chế về không gian và thời gian, trong nhà có những chỗ không thể chơi đùa, và dĩ nhiên là phải có chỗ được chơi tự do. Trong việc ăn uống, vui chơi cũng có những mốc thời gian, sẽ có những khoản thời gian nhất định cho việc ăn uống chơi đùa và học tập. Trẻ cũng cần có một cái lịch hoạt động cho các công việc của mình từ sáng đến chiều để có được sự ổn định và hình thành tư duy logic – biết cái gì xảy ra trước, cái gì sẽ đến để có được những chuẩn bị và đáp ứng thích hợp.

Đối với người lớn, trẻ cần được tập cho những lời nói lễ phép và tự nhiên, không quá màu mè và hình thức nhưng cũng không được phép cộc lốc và xuồng sã – Điều này trẻ sẽ học được một cách hiệu quả thông qua cách giao tiếp và ứng xử của bố mẹ với người khác. Chúng ta sẽ không thể cấm trẻ nói năng thô lỗ nếu chính bố mẹ thích “xả rác bằng miệng” và cũng không thể buộc trẻ lễ phép khi bố mẹ không có những hành vi lịch sự tối thiểu.

Ngoài bố mẹ, trẻ có thể bắt chước các hành vi và ngôn ngữ không thích hợp ở họ hàng, những người giúp việc hay thậm chí cả những người hàng xóm nếu gia đình sống trong một khu phố lao động, trẻ em thường xuyên tiếp xúc với nhiều hạng người khác nhau. Vì thế, chúng ta cũng cần lưu ý đến những nguồn có khả năng gây “ô nhiễm” cho lời nói và hành động của trẻ, mà nhiều khi rất nặng nề nếu như không được ngăn ngừa và phát hiện sớm.

Biện pháp giáo dục và tác động:

Kỹ năng giao tiếp là một trong những kỹ năng mang tính thực hành rất nhiều. Những lời dạy dỗ sáo rỗng không những không đem lại kết quả tốt mà đôi khi còn phản tác dụng, khi trẻ em được chứng kiến những cảnh: nói vậy mà không phải vậy – vì chắc chắn trẻ sẽ nhìn vào hành động của người lớn chứ không nghe theo những gì mà người lớn dạy bảo, trừ khi có những hành động minh chứng cho sự dạy dỗ đó.

Tuy nhiên, chúng ta cũng đừng quá lo lắng cho rằng mình phải là một bậc cha mẹ mẫu mực thì mới có thể dạy con ứng xử hay mới có thể là một tấm gương cho con noi theo. Chúng ta cũng có những khó khăn và hạn chế về năng lực và tính cách. Nhưng điều quan trọng là chúng ta không nên che đậy, dấu diếm hay đóng kịch trước mặt trẻ. Các em sẽ nhận ra điều này và sẽ không còn tin cậy vào chúng ta nữa, đó mới là điều nguy hiểm nhất.

Chúng ta hãy giáo dục con bằng cả tấm lòng với sự trung thực, đôi khi ngay cả với những ứng xử và ngôn ngữ vụng về của bố mẹ lại có những tác động mạnh mẽ đến đứa con hơn là những hành vi và lời nói hoa mỹ “đúng chuẩn quốc tế” .

Ở một góc độ khác, với trẻ nhỏ chúng ta nên tránh hay hạn chế tối đa những câu nói bóng gió, những câu có ý nghĩa ẩn dụ ngược lại. Nếu chúng ta không muốn trẻ đi ra ngoài sân thì hãy nói thẳng : “ Mẹ không muốn con ra ngoài sân lúc này” hơn là : “ Ừ có giỏi thì cứ đi đi” trẻ sẽ hoang mang trước câu nói và thái độ của chúng ta lúc đó, và sẽ dần dần không muốn giao tiếp với bố mẹ nữa vì bé không hiểu là mẹ muốn gì !

Ngoài ra, với trẻ nhỏ thì phạm vi giao tiếp còn rất hạn chế cũng như đơn giản, thông thường trẻ chỉ tiếp xúc với những người trong gia đình và nếu có với người lạ thì cũng có bố mẹ ở bên cạnh để “đỡ đòn” vì thế cũng không nhất thiết phải dạy trẻ quá nhiều thứ . Nhưng một trong những điều mà trẻ cần phải học và nhận biết một cách đầy đủ, đó là tính tôn trọng – Điều này được thể hiện qua các khía cạnh sau :

-         Biết nói lời xin lỗi, biết nói cám ơn.

-         Không cướp lời, nói leo khi người khác nói.

-         Không tự tiện lấy và sử dụng đồ dùng của người khác.

Và cả ba khía cạnh này sẽ được trẻ học rất tốt qua sự làm gương của bố mẹ, khi chúng ta biết cám ơn và xin lỗi những người mà chúng ta tiếp xúc trên đường phố, hay trong sự va quẹt khi giao thông, cũng như ở ngay ở trong gia đình khi chính bố mẹ không tự tiện lục cặp của trẻ, không tự tiện lấy những món đồ của trẻ hay của người khác để sử dụng cho riêng mình thì chắc chăn việc chúng ta dạy các em những ngôn ngữ giao tiếp này rất dễ dàng.